x
THÀNH VIÊN
Facebook login
x
ĐĂNG KÝ
Facebook login
Hủy
x
Quên mật khẩu
Hủy

Mắc ca - Hành trình nhiều vị đắng

Cây Mắc Ca được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam hơn 10 năm, cây mắc ca đã không còn xa lạ với nông dân hay người tiêu dùng Việt. Sản phẩm hạt mắc ca sấy “Made in Vietnam” được thị trường dần quen mặt. Sau gần chục năm, hệ thống phân phối cây giống mắc ca đã hình thành, những vườn mắc ca tiên phong đã cho hơn 5 vụ thu hoạch, các cơ sở chế biến được đầu tư, từ đó chuỗi hàng hóa nông sản mắc ca đã bắt đầu định hình.

Tuy nhiên, đối với người trồng và chế biến, việc gia nhập vào chuỗi nông sản có nhiều dư địa phát triển này vẫn còn không ít băn khoăn.

danocadoMột sản phẩm sữa từ hạt mắc ca. Ảnh: Courtesy of Milkadamia.

Khởi đầu gian nan

Mắc ca (Macadamia) được gọi là “Nữ hoàng các loại hạt khô”, tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình của mắc ca ở Việt Nam, nhiều người không ngại đặt tên cho loại cây này là “nữ hoàng thị phi”. Một thời gian, cây mắc ca xuất hiện trên truyền thông với những danh xưng “cây triệu đô”, “cây tỷ phú”. Tưởng rằng với danh xưng đó, cây mắc ca sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Nhưng trên thực tế, “lợi bất cập hại” vì đã khiến dư luận từ phát sốt đến đặt nhiều nghi vấn: Liệu đây có phải là cây sinh lời như thế hay không? Nhiều chuyên gia trong ngành cho biết nhận định này bao hàm cả việc chúng ta phải hoàn thiện chuỗi sản xuất từ trồng đến chế biến, xuất khẩu, chứ không phải chỉ từ đơn thuần từ giá trị của hạt mắc ca.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, nếu dựa trên sự phát triển của công nghệ và cơ sở hạ tầng về chế biến cây ăn trái ở Việt Nam, mắc ca nói riêng và các loại hạt vỏ cứng nói chung là lựa chọn phù hợp vì không yêu cầu trình độ sơ chế biến, vận chuyển hay bảo quản cầu kỳ. Đây cũng là câu trả lời cho hoài nghi: Vì sao mắc ca, Úc, Thái không mở rộng diện tích, còn Việt Nam hăm hở? Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết họ cũng đã đau đáu với câu hỏi này.

Câu trả lời lại thật đơn giản: Với sự phát triển hiện đại về hệ thống kho bảo quản, vận chuyển nông sản của Úc, họ không tăng diện tích trồng mắc ca là hợp lý khi còn nhiều loại cây ăn trái khác tuy đòi hỏi yêu cầu sơ chế biến khắt khe nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thái Lan cũng trong tình trạng tương tự.

danocado

Tuy nhiên, với thực tế cơ sở hạ tầng cho nông sản sau thu hoạch tại Việt Nam, mắc ca lại phù hợp. Chưa kể các diện tích đất bỏ hoang hay đang canh tác không hiệu quả ở vùng Tây Bắc, theo phân tích của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, với kỹ thuật canh tác và không yêu cầu cao về nước tưới, mắc ca là cây trồng phù hợp để xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi cũng đã "mục sở thị” từ tham quan các nhà vườn trồng mắc ca ở vùng Tây Nguyên. So với các loại cây trồng đã quen thuộc như cà phê, công chăm và tưới mắc ca “nhàn” hơn hẳn. Ông Ngô Quang Phương, chủ vườn mắc ca 1ha ở Cư Bao, Đắk Lắk, còn khẳng định: “Mắc ca là cây dành cho người lười”.

Ông Nguyễn Văn Cúc (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), một trong những nông dân đầu tiên ở Tây Nguyên trồng mắc ca, cho biết: So với các cây khác trong vườn, công chăm mắc ca đơn giản nhất nhưng lại hiệu quả nhất: một năm làm cỏ 2 lần, tỉa cành, bón phân trung bình 2 – 3 kg phân NPK/năm. Hiện ông Cúc đang trồng 1.000 cây mắc ca xen canh trong vườn cà phê, sầu riêng, tiêu, bơ, trong đó có 400 cây mắc ca cho thu hoạch quả ổn định, thu về 400 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Minh Đại với 1,4 ha (420 cây mắc ca, trong đó có 320 cây mắc ca đang thu hoạch) ở thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng cho hay: Dù trồng sau nhưng hiện nay, thu nhập từ cây mắc ca trong vườn đã vượt hẳn cà phê. So với các cây khác, mắc ca có năng suất cao hơn, nhu cầu bón phân rất ít, chỉ cần bón phân chuồng, không cần phân hóa học nhiều, giúp tiết kiệm chi phí. Cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây chết rất thấp, trồng 100 cây chỉ chết 1 – 2 cây, có thể không chết cây nào, khác với tiêu, có thể chết cả vườn.

Hiện nay, tại vườn của ông Đại, bước vào năm thứ 7, một cây mắc ca sai trái có thể cho từ 40 – 50 kg trái tươi (còn vỏ xanh), các cây thường cho 35 – 40 kg trái. Sản lượng trái thu được tăng qua các năm. Năm đầu chỉ thu được 4 tạ, đến năm thứ 2 đã thu được 1,5 tấn trái mắc ca. Tổng vườn thu hoạch được 5 tấn hạt (hạt khô đã tách vỏ xanh) năm ngoái, năm nay dự kiến thu khoảng 7.5 tấn.

Hành trình... cũng gian nan

Câu chuyện thành công từ vườn ông Nguyễn Văn Cúc, ông Đinh Minh Đại và nhiều người khác, tiếc thay, không phải là câu chuyện chung của tất cả những nông dân đã ôm mộng với mắc ca. Từ năm 2015 đến nay, thông tin những vườn mắc ca “chỉ tốt lá chứ không tốt quả”, “trồng 4 – 5 năm mà vẫn không ra trái” làm cơn sốt mắc ca chững lại.

Không quá ngạc nhiên trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Cúc, người có vườn trồng mắc ca đầu tiên tại miền Nam khi được Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (nay là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chọn trồng khảo nghiệm 29 dòng cây mắc ca vùng Tây Nguyên, với diện tích 1ha xen với cây cà phê vối vào năm 2004 kể chúng nghe một câu chuyện cũ: “Ở vườn tôi cũng có những cây năm thứ 7 – 8 vẫn không có quả. Thời vườn khảo nghiệm được đầu tư cây giống, mỗi cây lúc đó (năm 2004) được tính giá là 70 đô la, nhập nguyên dòng từ Úc về. Lúc tôi ghé thăm Viện Eakmat (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI), ở ngoài cổng, người ta bán dạo chỉ 150.000 đồng/cây. Đấy chính là cây giống tôi mua về trồng thử và 7 năm sau vẫn không ra trái”.

Cũng theo ông Cúc: năng suất thu hoạch mắc ca phụ thuộc lớn về giống. Với diện tích khảo nghiệm 29 dòng ban đầu ở vườn ông Cúc, giống còn rất lung tung, hiệu suất không cao. Sau này, khi ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng mắc ca qua các năm với các giống chọn lọc thì thấy rõ: cây mắc ca càng già thì cho năng suất càng cao, trong vườn có cây thậm chí còn đạt đến 70kg trái/cây.

Điều đó cho thấy vấn đề giống là vô cùng quan trọng với việc phát triển cây mắc ca. Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, trên thị trường đang có 2 loại giống mắc ca là giống ghép và giống thực sinh (chỉ ươm hạt, không ghép), nhưng chỉ có giống ghép mới mang lại sản lượng cao, ổn định. Điều đáng lo ngại là số địa chỉ bán được giống chuẩn hiện không nhiều. Người dân cũng chưa đủ kiến thức để chọn cho mình nơi cung cấp giống đạt chất lượng, đó là chưa kể giống tốt, đạt chuẩn thường giá cao cũng là một trở ngại.

Không chỉ gặp vấn đề về giống, mắc ca dù được tiếng dễ chăm sóc nhưng cũng không thể bỏ bê hoàn toàn. Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chia sẻ một số chuyện bên lề dở khóc ở cười. Thời điểm người dân đổ xô trồng mắc ca nhưng không ra trái.Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã tìm hiểu và thấy một trong những nguyên nhân là do người dân chưa chăm sóc tốt cho cây mắc ca. Vì vậy, Hiệp hội đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt triển khai gói tín dụng cấp vốn cho hộ nông dân trồng mắc ca bằng… phân bón. “Chúng tôi mang phân bón đến tận vườn, nhưng tréo ngoe là rất ít nông dân đồng ý, vì nhiều người cho rằng mắc ca không cần phân nên họ muốn lấy tiền để làm việc khác”.

Chờ đợi cơ chế

Chuỗi giá trị của cây mắc ca bao gồm 4 giai đoạn chính: nghiên cứu, trồng/sản xuất, chế biến và thương mại. Nhìn chung, theo đánh giá, việc trồng cây mắc ca tại Việt Nam vẫn phải phụ thuộc khá nhiều vào nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài (Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan). Một vài năm trở lại đây, cây mắc ca tại Việt Nam đã bắt đầu vào giai đoạn cho thu hoạch nên trái đã được sử dụng để làm giống. Tuy nhiên cành ghép vẫn phải từ nguồn cây đầu dòng nhập, mà số lượng cây này không nhiều.

Hiện tại, cây mắc ca được trồng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là xen canh với các loài cây công nghiệp như cà phê, điều, ca cao, hồ tiêu và một số cây ăn quả. Tỷ lệ trồng mắc ca là chưa lớn so với diện tích vườn (bình quân 0.5 - 2 ha, chiếm khoảng 20% - 30% diện tích đất cây lâu năm hiện có). Tình hình này dẫn đến một khó khăn khác trong hoạt động chế biến. Hiện chưa có nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao tại Tây Nguyên, mới chỉ có 2 nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động khoảng 2 năm và 1 nhà máy đang được xây dựng. Nhưng các cơ sở này luôn “khát” nguyên liệu.

Công ty TNHH Việt Xanh Maca đầu tư nhà máy chế biến mắc ca tại 41 Trần Thủ Độ, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gồm hệ thống đồng bộ từ máy cắt vỏ, máy sấy, đóng gói, hệ thống kho lạnh. Công ty liên kết hỗ trợ canh tác và bao tiêu sản phẩm với khoảng 500 hộ dân ở Lâm Đồng, ngoài ra còn thu mua mắc ca ở các tỉnh khác của Tây Nguyên.

danocadoKhâu tách vỏ tại cơ sở chế biến mắc ca Việt Xanh Maca. Ảnh: NTV

Anh Đỗ Đình Dũng, Giám đốc Việt Xanh Maca cho biết: Trung bình nhà máy sản xuất 1 tấn thành phẩm mỗi ngày, công suất trung bình năm có thể đạt đến 300 tấn. Thực tế, công suất trung bình năm chỉ đạt 100 tấn do nguồn cung nguyên liệu hạt mắc ca không đủ. Nghịch lý là ở đâu thì người dân được khuyên trồng cũng hỏi: “Bán cho ai?” Việt Xanh Maca cho biết họ đang chuẩn bị đầu tư cho nhà máy mới với công suất đạt 2.000 tấn/năm, được đầu tư cao hơn nữa về dây chuyền chế biến vì theo dự tính, trong thời gian tới, số diện tích vườn mắc ca đến thời điểm thu hoạch sẽ bắt đầu tăng lên.

Đến năm 2018, đã có 10.000ha trồng mắc ca. Theo Giáo sư Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, hiện tại, Bộ NN&PTNT không quản lý trực tiếp việc quy hoạch mà các địa phương tự căn cứ theo tình hình thực tế và nhu cầu thị trường để xác định. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng quy hoạch hơn 20.000 ha, tỉnh Điện Biên trên 13.000 ha. Các tỉnh khác như Lai Châu, Sơn La, Đăk Lăk, Đăk Nông…vv cũng đang quy hoạch. Cả nước có thể trồng khoảng 30 triệu cây, trên 100.000 ha trồng thuần và trồng xen.

Theo GS Hoàng Hòe, đã đến lúc Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người nông dân trồng mắc ca. Hiện nay, riêng Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá mua tối thiểu bằng 85% so với giá bên Úc. Tuy nhiên, không có hộ nông dân nào cần bán cho Hiệp hội cả vì các doanh nghiệp và cơ sở chế biến tăng cường thu mua và mắc ca đang hiếm hàng.

Hiện nay trên thị trường thế giới, lượng cung mắc ca vẫn chưa đáp ứng đủ lượng cầu. Trên thế giới, hạt mắc ca nguyên vỏ cứng, đã được sấy khô dưới 10% độ ẩm (gọi là NIS-nut in shell) được coi là sản phẩm đầu ra của nông trại và mua bán hết sức sôi động trên thị trường. Tổng lượng giao dịch NIS của vụ mùa năm 2013 - 2014 là khoảng 145.000 tấn (theo INC International). Chưa kể thị trường mắc ca cũng như các loại quả khác (điều, óc chó, dẻ, hạnh nhân…) đang mở rộng nhanh chóng vì xu hướng tiêu dùng các thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe trong chế độ dinh dưỡng.

Uyên Linh theo nguồn nongthonviet

Sản phẩm mới

Sản phẩm khuyến mãi

Call:0988569955

Mắc ca - Hành trình nhiều vị đắng

Cây Mắc Ca được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam hơn 10 năm, cây mắc ca đã không còn xa lạ với nông dân hay người tiêu dùng Việt.